Đi chợ bán buôn tại Trung Quốc về cơ bản cũng giống như việc bạn đi chợ tại Việt Nam, bạn sẽ phải có những kinh nghiệm và nền tảng nhất định về mặt hàng mình đang kinh doanh thì mới có thể tiến hành nhập hàng với mức giá tốt nhất. Ngoài ra, không phải trong chợ bán buôn thì chủ hàng sẽ bán cho bạn sản phẩm với mức giá bán buôn. Mức giá của sản phẩm khi đến tay bạn sẽ phụ thuộc nhiều yếu tố, yếu tố “thâm niên nghề” sẽ quyết định phần lớn giá nhập vào sản phẩm của bạn. Nếu bạn là người mới kinh doanh, hoặc cũng đã có một số thành quả nhất định trong công việc kinh doanh nhưng là lần đầu đi lấy hàng tại các chợ bán buôn ở Quảng Châu hay các tỉnh khác của Trung Quốc thì hy vọng bài viết này sẽ hữu ích dành cho bạn.
Ấn tượng ban đầu là điều hết sức quan trọng, việc bạn hỏi giá như thế nào sẽ quyết định được mức giá nhập hàng của bạn với cửa hàng. Thông qua việc hỏi giá, nhà cung cấp sẽ dễ dàng nắm bắt được cách mà bạn kinh doanh đã lâu hay chưa. Tuyết đối không nên mở đầu câu hỏi bằng câu "cái này bao nhiêu? cái kia bao nhiêu? cái này bao tiền?". Nên dùng những câu hỏi mang tính số lượng và có nhiều "từ ngữ nghề" hơn để hỏi giá. Ví dụ, khi bạn biết mặt hàng này sẽ được bán theo thùng, bạn có thể hỏi "mã này x thùng giá sao?". Hoặc khi biết rằng một số mặt hàng sẽ không được đóng thùng, bạn hãy hỏi "1 bao mã này giá sao?" hoặc "mã này bên bạn bán theo đóng bao hay cân số lượng?" rồi từ đó hỏi giá tiền một bao và giá tiền một cân.
Hỏi giá đúng cách, sẽ giống như bạn đã “nhập đúng mật khẩu” để mở ra một “phiên bản giá” khác đối với những mặt hàng mình đang kinh doanh.
Nên hỏi giá luôn ngay khi vào cửa nếu như bạn đã có sẵn mẫu mã định nhập, ví dụ "chúng mày có làm mã này không? lấy ra đây t xem hàng". Khi vào hỏi giá hãy hỏi trực diện và chi tiết luôn, tránh hỏi lan man không rõ vấn đề. Không nên vào cửa hàng họ, tham khảo một lúc lâu các mã rồi quay sang hỏi giá cả các mã. Sau khi bạn hỏi họ có kinh doanh một mã hàng nào đó hay không rồi quay sang tham khảo mẫu mã khác của họ vẫn chưa muộn. Cách này cũng có thể dùng để gây thiện cảm khi bước vào cửa hàng nào đó, bạn sẽ thoải mái xem hàng và làm giá hơn. Bởi vì lúc này họ sẽ ngầm hiểu rằng bạn đã kinh doanh, và đang kiếm tìm mẫu hàng mới, họ sẽ có thiện cảm và phát giá tốt hơn dành cho bạn.
Tốt nhất, bạn nên tham khảo qua trước mẫu mã và giá cả sản phẩm trên internet một lượt, sau đó khi đến chợ bạn hãy lấy đấy làm những mức giá sàn để đàm phán giá với chủ hàng. Mức giá trên internet so với giá tại chợ bán buôn chắc chắn sẽ có sự khác nhau. Có thể sẽ rẻ hơn hoặc đắt hơn đôi chút, thế nhưng chắc chắn ưu điểm khi lấy hàng tại chợ bán buôn là bạn có thể nhìn tận tay để biết chất lượng sản phẩm. Lợi thế khi bạn đã nắm “giá sàn” là ngay khi chủ shop phát giá của mã hàng nào đó, bạn có thể bật ra ngay với họ là đắt hay rẻ. Bản thân họ khi nói thách, nếu bị độp lại luôn là đắt họ cũng sẽ có một sự chột dạ nhất định.
Các cách thức đàm phán và trả giá của mỗi người sẽ khác nhau. Nếu là người mới bắt đầu kinh doanh, việc trả giá sẽ gặp một số vấn đề khó khăn đôi chút. Bạn sẽ không rõ là mức giá chủ hàng đưa ra đang là đắt hay rẻ, nên đề xuất lại mức giá nào để được coi là hợp lý. Nếu trả giá quá thấp người bán sẽ không muốn bán thậm chí là tỏ vẻ khó chịu không muốn hợp tác. Còn nếu trả quá cao thì bạn sẽ thấy rằng mình như bị lừa và chắc chắn biên độ lãi sẽ không cao khi đem về Việt Nam bán.
Trên thực tế các nhà bán buôn trong chợ đều hét giá cao hơn so với giá trị thật, do đó bạn nên nắm vững mức giá sàn của sản phẩm và căn cứ theo gíá trị đơn hàng để đưa ra mức giá hợp lý. Một số mặt hàng số lượng nhiều nhưng giá trị đơn thấp thì không nên áp theo số lượng để mặc cả. Việc bạn cố gắng mặc cả những đơn hàng có giá trị thấp sẽ khiến bạn trở thành đối tượng “không nên tiếp” trong mắt chủ hàng. Việc kinh doanh, buôn bán cần một sự “mát vía” nhất định, hãy tạo cho mình và chủ hàng một sự thoải mái để hợp tác thành công trong nhiều lần.
Việc đưa ra mức giá đàm phán, nên đặt trước cho mình một biên độ giá bán ra của sản phẩm tại Việt Nam. Từ đó trừ đi chi phí nhập hàng và biên độ lãi tối thiểu của bạn, thông qua đó sẽ tính ra được giá nhập hàng đầu vào tối đa cho mã hàng của bạn.
Ví dụ :
Bạn làm hàng thời trang Quảng Châu xuất khẩu, bạn dự kiến bán ra các mã áo sơ mi với mức giá từ 300.000đ - 450.000đ.
Bạn chọn được một mã hàng có chất vải tốt, hoa văn đẹp và đường may tính xảo, người bán phát giá 80 tệ / sản phẩm, bạn dự định bán ra với giá 400.000đ / sản phẩm. Để tính giá đầu vào tối đa ta làm như sau :
- Nhập 3 mầu, 5 size, mỗi size 5 chiếc, tổng 75 sản phẩm. Ước tính kiện hàng nặng 15kg (0.2kg/sp).
- Cước vận chuyển cho kiện hàng 15kg từ Quảng Châu về Việt Nam vào khoảng 350.000đ. Tính ra một sản phẩm mất khoảng 5.000đ tiền phí vận chuyển.
- Chi phí tiền lương đi nhập hàng dành cho bạn 5.000đ / sản phẩm.
- Chi phí bán hàng (cửa hàng, nhân viên, điên nước … abc… ) 10.000đ / sản phẩm
- Biên độ lãi tối thiểu của bạn : 30% tương đương 400.000đ x 0.3 = 120.000đ
Giá đầu vào tối đa của bạn sẽ bằng giá dự kiến bán ra trừ đi tất cả chi phí và lợi nhuận tối thiểu :
400.000đ – 5000đ – 5000đ – 10.000đ - 120.000đ = 260.000đ tương đương 72 tệ.
Căn cứ vào giá đầu vào tối đa này để đi đàm phán với người bán. Việc cần làm của bạn là mặc cả từ mức 70 – 72 tệ hoặc thấp hơn để có thể nâng cao thêm lợi nhuận.
Ngoài ra, bạn không nên ích kỷ muốn nhận phần lợi ích nhất dành cho mình trong việc lần đầu hợp tác với một ai đó. Chủ hàng cũng cần có lợi nhuận, bạn cũng sẽ cần quay trở lại nhập hàng tiếp tục nếu như sản phẩm bán tốt. Hãy thoải mái về giá cả trong những lô hàng đầu, không cần phải kịch sàn quá, quan trọng là sự vui vẻ trong hợp tác đôi bên. Lô hàng đầu, bạn cứ thử bán đi, khi đã tạo được thiện cảm từ hai phía chắc chắn những lô hàng sau bạn sẽ nhận được mức giá tốt hơn từ phía người bán.
Để có được một mã sản phẩm với mức giá tốt nhất, bạn có thể áp dụng theo mẹo sau : trước khi đi làm giá, bạn mua một vài mẫu sản phẩm mang theo. Chú ý rằng không nên mua sản phẩm quá nhiều và nặng, tránh gây khó khăn khi di chuyển. Khi vào cửa hàng, bạn lấy những mẫu sản phẩm đó đem ra trực tiếp hỏi giá, người bán lúc này sẽ cảm thấy bạn là đối tượng cần tiếp đón cẩn thận, mức giá họ đưa ra sẽ sát hơn, sẽ cố gắng đưa ra mức giá tốt nhất để thu hút bạn quay sang nhập hàng của họ. Kết hợp với việc đi nhiều cửa hàng khác nhau, bạn sẽ dễ dàng nhận biết được mức giá sàn của sản phẩm tại chợ và từ đó có thể đưa ra được một mức giá để mặc cả hợp lý nhất.
Xem thêm :